Làn sóng Covid-19 lần thứ tư giáng thêm một đòn chí mạng xuống các doanh nghiệp ngành hàng không, bi đát nhất là Vietnam Airlines.

Lỗ sau thuế của Vietnam Airlines qua từng quý.
Lỗ sau thuế của Vietnam Airlines qua từng quý.

Cho đến cuối tháng 7/2021, hầu hết các công ty, doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng không đều đã công bố báo cáo tài chính quý 2. Tuy nhiên, hôm nay 30/8, Vietnam Airlines mới “chịu” ra báo cáo tài chính, chậm hơn một tháng.

Cụ thể, báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2021 của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam – Vietnam Airlines (HVN) cho thấy, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ quý 2/2021 ghi nhận tăng nhẹ so với năm ngoái, đạt 6.598 tỷ đồng. Các khoản giảm trừ doanh thu tăng gấp 6 lần, giá vốn hàng bán tăng mạnh dẫn đến lợi nhuận gộp âm 3.497 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số lỗ 2.865 tỷ đồng của quý 2/2020.

Doanh thu hoạt động tài chính giảm từ 902 tỷ đồng năm ngoái xuống còn 141 tỷ đồng năm nay, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng gấp đôi, sau khi trừ đi các khoản chi phí, thuế, HVN lỗ 4.528,3 tỷ đồng, tăng mạnh so với số lỗ sau thuế quý 2 năm ngoái 3.022 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Vietnam Airlines lỗ 8.585 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số lỗ 5.262 tỷ đồng 6 tháng năm 2020. Như vậy, lỗ lũy kế của Vietnam Airlines đến thời điểm cuối tháng 6/2021 là 17.771 tỷ đồng.

Tổng cộng tài sản của Vietnam Airlines tính đến cuối tháng 6 là 61.255 tỷ đồng, giảm hơn 1.300 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Nợ phải trả 64.005,6 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ, dẫn đến âm vốn chủ sở hữu 2.750 tỷ đồng. Trong đó, vay nợ tài chính 34.462 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm ngoái.

Hàng tồn kho tăng mạnh từ 1.849 tỷ đồng lên 2.580 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là hàng hóa, nguyên, vật liệu. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm 723,9 tỷ đồng, dù vậy cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái.

Vietnam Airlines: Lỗ lũy kế gần 18.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu chính thức âm - Ảnh 1

Giải trình về kết quả kinh doanh, ban lãnh đạo HVN cho biết, do đại dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng và trực tiếp đến ngành hàng không toàn cầu trong đó có Tổng công ty Hàng không Việt Nam. Tổng doanh thu và thu nhập khác quý 2/2021 của công ty mẹ giảm 26,5% so với quý 2/2020, tương ứng giảm hơn 1.634 tỷ đồng, trong đó doanh thu cung cấp dịch vụ giảm 11,3%, doanh thu hoạt động tài chính giảm mạnh 72,5% chủ yếu giảm từ các khoản đầu tư ra ngoài doanh nghiệp và lãi chênh lệch tỷ giá. Tổng doanh thu và thu nhập khác của quý 2/2021 giảm nhiều hơn tổng chi phí dẫn đến lợi nhuận sau thuế công ty mẹ giảm trên 1.634,9 tỷ đồng so với năm trước.

Ngoài lý do liên quan đến công ty mẹ còn do các công ty con liên quan đến cung cấp dịch vụ hàng không như Nasco, Vaeco cũng giảm mạnh…

Trong bối cảnh kinh doanh khó khăn phức tạp, nguy cơ thua lỗ vẫn ở mức cao, dòng tiền tiếp tục suy giảm và thâm hụt, tại Đại hội cổ đông thường niên tháng 7 vừa qua, Vietnam Airlines dự kiến tổng doanh thu năm 2021 sẽ đạt 37.364 tỷ đồng bằng 88% so với thực hiện năm 2020 và lỗ ròng hợp nhất lên tới 14.526 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với mức lỗ 11.178 tỷ đồng của năm 2020, riêng công ty mẹ lỗ 12.908 tỷ đồng. Như vậy, đi hết nửa chặng đường của năm 2021, Vietnam Airlines mới đạt 37,8% kế hoạch doanh thu và hoàn thành 59% kế hoạch lỗ cả năm.

Kế hoạch kinh doanh cả năm 2021 được Vietnam Airlines dựa trên các giả định: Hoàn thành kế hoạch bán 11 tàu bay A321 sản xuất năm 2004 và 2007-2008 để bổ sung dòng tiền và thu nhập. Việc thị trường dư thừa máy bay khiến thanh lý 11 tàu bay trong năm 2021 có thể tiêu cực. Cải thiện doanh thu trung bình trên các chuyến bay nội địa, khai thác chuyến bay hàng hóa, hồi hương, bán combo cách ly tự nguyện. Chính phủ cho phép mở cửa cho khách du lịch đến Phú Quốc, áp dụng thí điểm hộ chiếu vaccine.

Tuy nhiên, diễn biến phức tạp của biến chủng Delta kéo dài đã khiến các điều kiện kinh doanh nêu trên của Vietnam Airlines khó đạt được. Các chuyến bay của HVN đang rơi vào tình trạng bi đát chưa từng có trong lịch sử.

Vietnam Airlines: Lỗ lũy kế gần 18.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu chính thức âm - Ảnh 2

Số liệu mới nhất từ Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, trong tháng 8, tổng chuyến bay khai thác của các hãng hàng không Việt Nam sụt giảm tới 90,6% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 59,3% so với tháng trước, chỉ còn 1.536 chuyến. Trong đó, tổng số chuyến bay khai thác của Vietnam Airlines là 1.025 chuyến, giảm 84,6% so với cùng thời điểm năm ngoái và giảm 47% so với tháng trước. Jetstar Pacifics khai thác 19 chuyến bay, giảm 98,6% so với cùng kỳ và là hãng có mức giảm cao nhất so với 5 hãng còn lại.