Nhiều khách sạn 5 sao hoặc 4 sao ở TPHCM đang có giá phòng rẻ chưa từng thấy. Tận dụng mức giá hời này, nhiều người dân đã đặt phòng vào ở để được trải nghiệm đẳng cắp 5 sao.
Không ở nhà mà vào khách sạn 5 sao ở
Thấy gia đình anh Bùi Quang Hưng (Khu Dân cư Him Lam, quận 7) chất hành lý lên xe ôtô, hàng xóm cứ nghĩ là đi du lịch xa. Tuy nhiên, anh Hưng cho biết gia đình chuyển vào một khách sạn 4 sao ngay trung tâm quận 1 ở chứ không đi du lịch đâu cả.
Lý giải cho việc lạ đời này, anh Hưng cho biết giá khách sạn đẳng cấp 4 sao được anh đặt chỉ có giá 800.000 đồng/đêm. Vì giá rẻ như vậy, nên anh đã đưa cả nhà vào đấy để trải nghiệm dịch vụ đẳng cấp cuối tuần.
“Chỉ có 800.000 đồng nhưng được ở phòng nghỉ đẳng cấp, ăn sáng buffet cho cả nhà và được tắm hồ bơi thỏa thích thì đúng là quá rẻ. Tôi nghĩ do dịch nên họ mới có giá phòng rẻ như vậy, chứ bình thường giá phòng khách sạn 4 sao thấp nhất phải 3 triệu đồng/đêm” – anh Hưng chia sẻ.
Gia đình chị Phạm Thị Thanh Vân (Khu dân cư Him Lam) cuối tuần cũng xách hành lý vào khách sạn 5 sao Majestic để ở. Chị Vân đặt phòng trên mạng với giá phòng chỉ 1,8 triệu đồng/đêm, đây là mức giá quá thấp so với đẳng cấp khách sạn 5 sao hàng đầu như Majestic.
“Tôi biết Majestic là một khách sạn 5 sao đẳng cấp hàng đầu TPHCM, giá phòng ở đấy bình thường phải từ 5 triệu đồng đến cả chục triệu đồng. Tuy nhiên, trong đợt dịch này chỉ có giá 1,8 triệu đồng, bao gồm ăn sáng buffet cho 2 vợ chồng và 2 trẻ con là quá rẻ”- chị Vân cho biết.
Công suất khai thác phòng 5 sao đạt chưa tới 10%
PV Báo Lao Động đã có cuộc khảo sát giá phòng tại nhiều khách sạn 4 sao và 5 sao ở TPHCM. Nhìn chung mặt bằng giá các khách sạn đẳng cấp này đều giảm kịch trần, khách sạn 4 sao chỉ từ 800.000 đồng – 1,2 triệu đồng/phòng. Trong khi khách sạn 5 sao chỉ từ 1,5 triệu – 2 triệu đồng/phòng.
Lý giải về giá thấp kỷ lục này, đại diện một số khách sạn cho biết, phân khúc cao cấp 5 sao chủ yếu phục vụ khách quốc tế và giới doanh nhân. Tuy nhiên, do dịch khách quốc tế không đến, trong khi giới doanh nhân các tỉnh đến TPHCM công tác cũng giảm, dẫn đến công suất phòng đạt chưa tới 10%. Vì vậy, buộc các khách sạn phải giảm giá sâu để thu hút khách vãng lai và khách là người dân địa phương đến trải nghiệm.
Chị Nguyễn Tiên – Bộ phận Sales của khách sạn Sofitel Saigon cho biết, giá phòng tại khách sạn đang giảm đến mức thấp nhất từ trước đến nay dao động từ hơn 2 triệu đồng.
“Khách sạn Sofitel là khách sạn 5 sao đẳng cấp quốc tế, chủ yếu đón khách nước ngoài là chính. Tuy nhiên, do dịch khách quốc tế không đến nên công suất phòng chỉ đạt 6%/ trên tổng số 240 phòng. Bình thường, giá phòng ở đây từ 5 triệu đến hơn 20 triệu đồng/đêm, tuy nhiên giá giờ chỉ còn hơn 2 triệu đồng và khách được ưu tiên nâng cấp lên phòng cao hơn nếu những phòng đấy còn trống” – chị Tiên cho biết.
Ông Trần Mạnh Hùng – Giám đốc khách sạn Mường Thanh Sài Gòn cho biết, khách Tây chiếm đến 60% công suất phòng của khách sạn, còn lại là khách nội địa. Thế nhưng 2 đợt dịch xảy ra dẫn đến khách quốc tế không có, khách nội địa giảm nhiều nên công suất phòng chỉ đạt 4% trên tổng số 124 phòng.
“Theo dự báo của ngành du lịch để khách Tây quay lại, nếu như dịch ổn thì phải đến sang năm. Khách Tây hiện giờ coi như là không có, chỉ trông vào lượng khách vãng lai nhưng cũng rất ít. Khách sạn nổ lực tiếp thị, giảm giá phòng mùa dịch để kéo được lượng khách khách vãng lai và cả khách địa phương” – ông Hùng nói.
Ông Hùng cung cấp thêm thông tin, Mường Thanh là khách sạn có thương hiệu nên mới duy trì được dù doanh thu rất thấp, một số khách sạn khác có thể phải đóng cửa bởi hoạt động như thế là lỗ lớn.
“Đời sống người lao động thì có Tập đoàn lo, khách sạn Mường Thanh Sài Gòn thì Tập đoàn có chủ trương là vẫn hoạt động. Trong tổng số 124 phòng tại đây, mỗi ngày chỉ 4-5 phòng là có khách. Đợt dịch này thiệt hại quá kinh khủng, buộc khách sạn phải giảm công nhân viên, cho anh em nghỉ bù, nghỉ phép để về quê ” – ông Hùng nói.
Bình Luận (0)